Lịch sử Dầu_Giây

Nguồn gốc tên gọi

Trước đây Dầu Giây vốn là tên của một số địa danh thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Có 2 giả thuyết phổ biến về tên gọi Dầu Giây:[3]

  1. Xưa kia, vùng này có rất nhiều cây Dầu, trên thân của nó có nhiều dây leo chằng chịt. Người địa phương theo thời gian phát âm trại đi "Dây" thành "Giây", lâu ngày thành tên.
  2. Năm 1954, một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam, đã an cư lạc nghiệp ở nơi này, họ đem theo mình những tập tục, thói quen trồng cây trầu tại khu mình sống. Vì thế ở đây xuất hiện rất nhiều cây trầu dây nhưng người Hà Nam Ninh phát âm "tr" thành "d, gi", do vậy trầu dây đọc thành Dầu Giây.

Lịch sử hành chính

Năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập xã Dầu Giây thuộc quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Chính quyền cách mạng cũng lập xã Bàu Hàm có địa giới tương ứng với xã Dầu Giây của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, về sau chia thành 2 xã Bàu Hàm 1 và Bàu Hàm 2, thuộc huyện Thống Nhất.

Năm 2003, huyện Thống Nhất chia tách thành 2 huyện: Thống Nhất và Trảng Bom. Đồng thời, xã Xuân Thạnh thuộc huyện Long Khánh vừa giải thể được sáp nhập vào huyện Thống Nhất và là trung tâm huyện lỵ mới của huyện Thống Nhất.

Địa bàn thị trấn Dầu Giây trước đây là 2 ấp Lập Thành, Trần Hưng Đạo của Xuân Thạnh cũ và 2 ấp Phan Bội Châu, Trần Cao Vân của xã Bàu Hàm 2.

Ngày 10 tháng 5 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 694/NQ-UBTVQH14[1]. Theo đó:

  • Điều chỉnh 4,69 km² diện tích tự nhiên và 13.692 người của xã Bàu Hàm 2 vào xã Xuân Thạnh
  • Điều chỉnh 14,07 km² diện tích tự nhiên và 42 người của xã Xuân Thạnh vào xã Bàu Hàm 2
  • Điều chỉnh 8,79 km² diện tích tự nhiên và 4.266 người của xã Xuân Thạnh vào xã Hưng Lộc
  • Thành lập thị trấn Dầu Giây trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Xuân Thạnh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Thị trấn Dầu Giây có diện tích 14,14 km², dân số là 23.309 người.